Nguyên nhân và phương pháp điều trị nhiễm giun tóc

Nhiễm giun tóc là một trong những bệnh giun truyền qua đất phân bố rộng khắp thế giới với mức độ khác nhau tùy theo từng vùng. Do tính chất sinh thái giữa giun tóc và giun đũa khá giống nhau nên môi trường có bệnh giun đũa thường sẽ có bệnh giun tóc. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để biết thêm về cách điều trị và phòng ngừa nhiễm giun tóc.

Tìm hiểu chung

Nhiễm giun tóc là gì? 

Giun tóc (Trichuris trichiura) trưởng thành (dài khoảng 4 cm) ký sinh ở manh tràng và ruột kết. Giun đực dài khoảng 35 – 45 mm, giun cái dài 30 – 50 mm. Đuôi giun tóc đực có dạng cong, gai sinh dục ở cuối đuôi, có vỏ bao bọc, trên có nhiều gai nhỏ. Đuôi giun cái thẳng. Con cái bắt đầu đẻ trứng từ 60 đến 70 ngày sau khi nhiễm bệnh. Giun tóc cái ở manh tràng đẻ từ 3.000 – 20.000 trứng một ngày.

Giun tóc có chu kỳ phát triển như sau:

  • Trứng giun tóc được bài xuất theo phân ra ngoài đất;
  • Trong đất, trứng phát triển thành giai đoạn 2 tế bào;
  • Ở ngoại cảnh gặp điều kiện thuận lợi, trứng phát triển thành trứng giai đoạn ấu trùng, sau đó trở thành trứng giai đoạn nhiễm;
  • Sau khi người ăn phải trứng này (tay bẩn hoặc thức ăn), ấu trùng thoát vỏ trong ruột non, rồi đi dần xuống đại tràng và ký sinh ở manh tràng.

Giun tóc không có chu kỳ chu du trong cơ thể vật chủ. Giun tóc trưởng thành sống trong người khoảng 5 – 10 năm.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm giun tóc

Những người bị nhiễm giun tóc thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Nếu nhiễm giun tóc nặng sẽ bị tổn thương niêm mạc ruột, kích thích các tổn thương ở đại tràng, gây nên các triệu chứng giống lị amíp. Hậu quả gây hội chứng giống lỵ như đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, phân ít có thể lẫn ít máu. Tiêu chảy thường có mùi nặng hơn bình thường.

Các triệu chứng thường gặp khi nhiễm giun tóc nhẹ là đau bụng, buồn nôn, táo bón, khó tiêu, nhức đầu, chán ăn. Biến chứng nặng hơn có thể gây thiếu máu nhược sắc và làm trẻ chậm phát triển.

Triệu chứng lâm sàng điển hình khi nhiễm giun tóc nặng là đi ngoài nhiều lần, có thể đi ngoài 20 – 30 lần/ ngày, mót rặn do tình trạng kích thích niêm mạc, có thể có biến chứng sa trực tràng khi bị viêm đại tràng nặng.

Biến chứng có thể gặp khi nhiễm giun tóc

Nhiễm giun tóc có thể gây sa trực tràng (trực tràng sa xuống và sa ra ngoài hậu môn) và nhiễm trùng thứ phát.

Ở trẻ em, nhiễm giun tóc nặng có thể ảnh hưởng đến việc kém phát triển nhận thức.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Share This Post